Nữ tỷ phú giàu thứ 2 Trung Quốc tiếp quản đế chế địa ốc của cha
Sau khi nhà sáng lập Country Garden – nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc – từ chức, bà Dương Huệ Nghiên sẽ thay cha tiếp quản hoàn toàn tập đoàn.
CNBC đưa tin theo hồ sơ được gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong hôm 1/3, bà Dương Huệ Nghiên vừa tiếp quản hoàn toàn Country Garden – tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc – sau khi cha bà, ông Dương Quốc Cường từ chức.
Tuyên bố cho biết ông Dương đệ đơn từ chức chủ tịch “do tuổi tác”. Ông là cái tên mới nhất trong danh sách doanh nhân địa ốc rút khỏi công ty khi mây đen bao trùm ngành công nghiệp này.
Trước khi thành lập Country Garden vào năm 1992, ông Dương từng là nông dân và công nhân xây dựng. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, ông đã đưa công ty trở thành một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất cả nước.
Đế chế địa ốc hàng đầu
Đợt IPO của công ty trên sàn Hong Kong hồi năm 2007 trị giá 1,7 tỷ USD. Năm ngoái, Country Garden là tập đoàn địa ốc đứng đầu về doanh thu với 67 tỷ USD.
Kể từ năm 2018, bà Dương là đồng chủ tịch Country Garden và cùng cha điều hành các hoạt động hàng ngày của tập đoàn.
Theo Bloomberg Billionaires Index, tính đến ngày 2/3, bà Dương nắm giữ khối tài sản trị giá 9,2 tỷ USD. Bà là người phụ nữ giàu thứ 2 Trung Quốc, chỉ sau bà Wu Yajun – đồng sáng lập kiêm Chủ tịch công ty bất động sản Longfor Properties.
Tài sản của bà Dương chủ yếu đến từ cổ phần trong Country Garden. Ông Dương đã chuyển cổ phần cho con gái vào năm 2005, 2 năm trước đợt IPO của công ty.
Ông Dương rời ghế chủ tịch Country Garden vào thời điểm thị trường bất động sản Trung Quốc đang sa lầy trong khủng hoảng. Ngành công nghiệp này chao đảo sau khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát nhằm hạ đòn bẩy và ngăn chặn tình trạng đầu cơ trong một thị trường đã phát triển quá nóng.
Cuộc khủng hoảng khiến China Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc – vỡ nợ hồi năm 2021. Cổ phiếu của Country Garden cũng mất hơn một nửa giá trị trong vòng một năm qua.
Tháng 11 năm ngoái, ông Zhang Lei – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Modern Land – đã từ chức. Trước đó một tháng, nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wu Yajun cũng rời khỏi Longfor Properties với lý do “sức khỏe và tuổi tác”.
Hồi tháng 9, ông Pan Shiyi và vợ, bà Zhang Xin, cũng rời khỏi ghế chủ tịch và giám đốc điều hành của Soho China – một tập đoàn địa ốc có trụ sở ở Bắc Kinh.
Giai đoạn biến động
Trong tháng đầu năm 2023, doanh số của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 12 năm ngoái, giá nhà tại nước này ghi nhận 16 tháng giảm liên tiếp.
Sang năm nay, giá nhà ở tại Trung Quốc đã chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 16 tháng và ổn định trong tháng 1, sau khi Bắc Kinh tiếp tục tung thêm một loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có kế hoạch nới lỏng hạn chế đối với việc vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản.
Chính sách “3 lằn ranh đỏ” – được công bố vào cuối năm 2020 – khiến cuộc khủng hoảng địa ốc tại đất nước 1,4 tỷ dân càng thêm trầm trọng.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh còn có thể cho phép một số công ty bất động sản tăng đòn bẩy bằng cách tăng giới hạn vay và giãn thời gian ân hạn.
Ngoài ra, Trung Quốc đang cho phép các thành phố gia hạn những biện pháp được đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái. Các biện pháp này cho phép hạ lãi suất đối với những người chưa sở hữu nhà, nếu giá nhà mới giảm liên tiếp 3 tháng.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã ban hành một gói giải cứu 16 điểm đối với ngành bất động sản. Thời điểm đó, đây được coi là tín hiệu giải cứu mạnh mẽ nhất của giới chức Trung Quốc.
Các biện pháp được đưa ra bao gồm gia hạn khoản vay cho doanh nghiệp địa ốc, thúc đẩy doanh số bất động sản thông qua giảm khoản tiền thanh toán trước, cắt giảm lãi suất, thúc đẩy những kênh huy động như phát hành trái phiếu, và đảm bảo việc giao nhà cho khách hàng.
Theo Zingnews.vn