‘Người thầy’ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói gần 500 trang của cuốn sách không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc mà còn nói về những trăn trở, hy sinh, khó khăn mà ông phải vượt qua. Đồng thời còn là tấm gương đạo đức, tình cảm vợ chồng, cha con, thầy trò.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, về nội dung cuốn sách Người thầy nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức (ông Ba Quốc, 1922 – 2022).
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói gần 500 trang của cuốn sách không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc mà còn nói về những trăn trở, hy sinh, khó khăn mà ông phải vượt qua. Đồng thời còn là tấm gương đạo đức, tình cảm vợ chồng, cha con, thầy trò.
Cuốn sách là những trang viết những bài học về nghề, về người, về đời của ông Ba Quốc – vị tướng tình báo tài ba – để giúp cho các thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ trong ngành tình báo có thể học hỏi, tiếp thu trong quá trình trưởng thành.
Người thầy lớn
* Ông có thể chia sẻ về quá trình ấp ủ để cho ra đời cuốn sách Người thầy?
– Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Ý tưởng ra đời cuốn sách này xuất phát cách nay 5 – 7 năm, trong những lần tôi đến thăm gia đình chú Ba Quốc vào các dịp Tết, ngày giỗ, gặp gỡ các thành viên trong gia đình và những người gần gũi khi ông còn sinh thời.
Vào những ngày đó, nhất là dịp giỗ ông Ba gần như tất cả mọi người từ TP.HCM hay ở ngoài Bắc đều không hẹn mà gặp. Mọi người ngồi lại với nhau và quay đi quay lại đều nói những câu chuyện về ông.
Đó còn là những câu chuyện về thời chúng tôi ở gần ông, đặc biệt giai đoạn ở Campuchia. Mọi người cũng chia sẻ những câu chuyện thầm kín, thậm chí chưa từng kể với ông Ba nhưng cũng được kể lại ở đây.
Ngoài những câu chuyện về đời thường, tình người, còn có các chuyện liên quan đến công việc, cuộc sống của mấy chục năm trước và nó hiện lên một cách sống động hơn cả tiểu thuyết. Khi nghe các bài học hay, sự chỉ bảo của ông Ba Quốc, mọi người càng bày tỏ mong muốn có một cuốn sách để ghi lại, viết lại về ông, trong đó có tôi.
Trước đó, cách đây 20 năm, khi nhà văn Khuất Quang Thụy và nhiều người muốn viết về ông Ba Quốc sau năm 1975 nhưng ông không đồng ý thì tôi đã nói “sẽ có lúc cháu viết về chú”. Sau đó dù đã suy nghĩ nhiều song tôi chưa thực hiện được. Bởi để viết về ông rất khó, tư liệu không đầy đủ, những người cùng thời cũng không còn mấy ai.
Sau khi nghỉ công tác, tôi đọc lại toàn bộ hồ sơ lưu, các sách vở viết về ông hay những bài thơ, nhật ký ông bà gửi cho nhau…, thấy rằng bản thân tôi đã đọc các tài liệu, nghe biết bao chuyện nhưng té ra mình chẳng hiểu gì về ông. Tôi cũng trao đổi với các con cháu và thấy họ cũng như tôi, không hiểu gì về cha, ông mình.
Từ thực tế đó, tôi thấy rằng nếu giờ không “đào lên”, không viết lại về ông thì những giá trị rất to lớn sẽ bị chôn vùi đi mất.
Dẫu biết rằng trong cuộc kháng chiến, có rất nhiều giá trị to lớn như vậy nhưng rõ ràng đây là một giá trị mà mình đã được gần, được tiếp cận nên phải viết để cho giới trẻ biết cũng như chính tôi biết. Với suy nghĩ đó, tôi đã hứa với gia đình phải viết một cuốn sách về ông.
* Như ông chia sẻ viết về ông Ba Quốc rất khó. Vậy ông đã hình thành nội dung cuốn sách thế nào?
– Cuốn sách lúc đó tôi chưa hình dung ra như thế nào nhưng chắc chắn phải viết về các câu chuyện ông kể với tôi và về những gì tôi lĩnh hội được khi gần ông.
Nhưng nếu chỉ để gạch đầu dòng những chuyện thì chỉ khoảng mười đến mười lăm chuyện là hết. Do đó tôi đã tìm lại toàn bộ hồ sơ của ông rồi xây dựng biên niên sự kiện cuộc đời ông.
Xây dựng xong biên niên đó, tôi mới thấy rằng cuộc đời mình vô hình trung mà đã song hành, gắn bó với ông suốt trong 20 năm từ 1984 đến năm 2004, từ công việc đến cuộc sống, từ xã hội đến gia đình. Từ đó tôi đã phác thảo ra các phần của cuốn sách cần viết.
Trong đó phần đầu là từ ngày đầu tiên gặp ông rồi ông qua đời thì tôi đã cùng ông làm bao nhiêu việc. Phần thứ hai là những việc đã làm chung, được ông chỉ bảo trong quá trình công tác. Phần thứ ba là những câu chuyện ông cùng với tôi trong quá trình làm việc.
Đó là những câu chuyện ông kể về Sài Gòn xưa, thời chống Pháp, sau giải phóng… Cũng từ đó những ký ức cứ thế ùa về và nhiều đêm, cứ nhớ ra chuyện gì tôi lại vội thức dậy để ghi vào sổ hoặc đọc vào máy ghi âm.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 1.000 trang tư liệu đã được tôi viết ra. Nhìn từng đó tư liệu, tôi rất mừng nhưng cũng vừa thấy “hỏng mất rồi”, khó có thể ra sách bởi hai điều cấm kỵ của ngành tình báo.
Đó là với tình báo, con người, chiến công, thành công hay thất bại đều có thể bộc lộ, nhưng phương thức thì không thể và những “câu chuyện cũ” có tính nhạy cảm của nghề thì càng phải đóng kín. Tôi quyết định lại làm lần thứ ba, bỏ những đoạn nào có khả năng vi phạm vào những điều cấm kỵ của nghề nghiệp.
Từ đó tôi xin lại ý kiến gia đình, các cơ quan liên quan rồi chỉnh sửa trong nhiều tháng với quyết tâm rất cao phải làm xong, hoàn thiện cuốn sách như một sự tri ân với ông.
Nhờ sự giúp đỡ của một số đồng nghiệp, bạn bè nên sau hơn 10 lần chỉnh sửa, bản thảo cuối cùng đã xong và giờ đây thành cuốn sách hoàn chỉnh. Thực lòng tôi chưa bao giờ thấy cuốn sách này thành công nhưng tôi rất vui khi mình đã thực hiện được nguyện ước viết về ông Ba Quốc – người thầy lớn của mình.
* Vì sao ông lại chọn đặt tên cuốn sách là Người thầy?
– Tên Người thầy là do chính tôi chọn. Nhiều người góp ý ở bìa phải có chữ tình báo, có anh hùng hay có thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vào đó nhưng tôi nói chỉ có hai chữ Người thầy. Lúc đầu cuốn sách định tên là “Thầy và trò” nhưng cuốn sách chỉ viết về thầy nên chỉ là Người thầy thôi.
“Người cha dạy tôi nên người”
* Với tất cả những gì ông viết trong sách thì có lẽ hai chữ Người thầy không đủ để nói hết tầm ảnh hưởng của ông Ba Quốc với ông và tình cảm của ông với ông Ba Quốc. Phải chăng ở đây còn có một yếu tố khác là “Người cha”?
– Đúng như vậy. Với tôi, ba tôi là người bất tử – dù ông mất sớm nhưng những gì ông đã đóng góp cho đất nước, cho gia đình thì mãi mãi bất tử với tôi. Còn trong quá trình làm việc, tôi luôn tự coi có một người cha tinh thần là ông Ba Quốc.
Những con người đó với tôi là tuyệt đối cao cả, tuyệt đối trong sáng, là trong veo. Ông Ba Quốc luôn nghiêm khắc rèn giũa mong cho tôi trưởng thành, tiến bộ và dạy tôi nên người. Tôi được như bây giờ luôn luôn biết ơn đến ông.
* Như vậy không có ông Ba Quốc thì không có Nguyễn Chí Vịnh ngày hôm nay?
– Nói như vậy chưa thật đúng. Mà chính xác phải nói là Nguyễn Chí Vịnh có được ngày hôm nay không thể thiếu đôi bàn tay rèn giũa của ông Ba Quốc. Bởi ngoài ông Ba Quốc, tôi còn bàn tay dạy dỗ của ông Lê Đức Anh, Văn Tiến Dũng, Phạm Văn Trà, Vũ Chính và nhiều người khác nữa.
* Ông Ba Quốc từng nói “Tình báo không phải nghề của tôi”, vậy nên hiểu thế nào cho đúng với câu trả lời của vị tướng tình báo tài danh này?
– Đây là câu ông Ba Quốc trả lời nhà văn Khuất Quang Thụy. Tuy nhiên, ở đây phải hiểu câu trả lời của ông Ba Quốc với hàm ý không muốn tuyệt đối hóa nghề tình báo, vì tình báo chỉ là một trong nhiều việc trong sự nghiệp cao quý làm cách mạng.
Cho nên tình báo chỉ là phương tiện, công cụ, còn ông Ba Quốc là làm cách mạng. Khi làm cách mạng thì đã hội đủ tất cả các yếu tố cần cho một người làm tình báo, đó là công tác nghiên cứu, công tác vận động quần chúng, công tác tư tưởng, trung thành với Tổ quốc,…
Ông Ba Quốc rất dị ứng với “tình báo a-ma-tơ”, “tình báo hai mang”. Ông cũng thể hiện quan điểm rất minh triết là tình báo yêu Tổ quốc, phụng sự nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
* Trong quá trình hoàn thành cuốn sách, có điều gì mà ông cảm thấy nuối tiếc nhất?
– Có lẽ nuối tiếc nhất là có một số câu chuyện rất hay, toát lên trình độ chuyên môn rất cao, tinh thần chiến đấu mất còn quyết liệt của ông Ba Quốc khi đối đầu với kẻ thù cũng như tình cảm sâu đậm với đồng chí, đồng đội song không thể đưa vào sách được vì nhiều yếu tố nhạy cảm.
Tuy nhiên, qua tất cả những gì đã thể hiện trong cuốn sách, tôi muốn khắc họa cho mọi người thấy được hình ảnh ông Ba Quốc – Người thầy với đủ đức, đủ tài của không chỉ riêng tôi mà còn của cả ngành tình báo nước nhà.
Theo Tuoitre.vn