VÀI NÉT VỀ DALAI LAMA THỨ 14
Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một chút về Dalai Lama thứ 14 nhé.

Dalai Lama là vị thầy cao nhất trong danh hiệu “Mũ vàng” (“Yellow Hat”) của Phật giáo Tây Tạng.
Dalai Lama là tên kết hợp giữa từ Dalai (tiếng Mông Cổ nghĩa là “Đại dương”) và từ Lama (tiếng Tây Tạng, nguyên gốc là bla-ma, với “b” câm, nghĩa là “lãnh tụ, thầy tu cao nhất”).
Tuy nhiên ý nghĩa của tên Dalai Lama vẫn chưa thống nhất. Một số cho rằng, Dalai Lama là 1 danh hiệu, nghĩa là “Đại dương Thông thái” (Ocean of Wisdom), nhưng Dalai Lama thứ 14 lại cho rằng Dalai Lama là tên Mông Cổ của thầy tu Tây Tạng Sonam Gyatso, người được vua Mông Cổ Altan Khan dịch tên vào năm 1578 và trở thành Dalai Lama thứ 2.
Dalai Lama được người Tây Tạng xem như là hiện thân của chư Phật và Bồ Tát, người chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cứu giúp chúng sanh và mỗi một Dalai Lama được xem là tái sinh của vị trước.
Phương Tây thường gọi Dalai Lama là “Đức Dalai Lama” (His Holiness) (theo cách tương tự với Đức Giáo Hoàng – Pope), mặc dù từ này không dịch thành 1 danh hiệu của Tây Tạng.
Vị Dalai Lama hiện nay là vị thứ 14 – Tenzin Gyatzo (tên đầy đủ: Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso), sinh ngày 6/7/1935, tại làng Taktser, Amdo, Đông Bắc Tây Tạng, trong một gia đình nông dân.
Năm 1937, Tenzin Gyatzo được thừa nhận là Dalai Lama thứ 14 (lúc đó 2 tuổi).
Ngày 22/2/1940, Dalai Lama 14 (lúc đó 5 tuổi) được tấn phong tước vị, chính thức là người lãnh đạo chính trị và tôn giáo cho 6 triệu người Tây Tạng, tại Lhasa, thủ đô của Tây Tạng.
Ngày 17/11/1950, Dalai Lama 14 (lúc đó 15 tuổi) nhận trách nhiệm là người lãnh đạo nhân dân Tây Tạng, một tháng sau khi nơi này bị Trung Hoa tấn công.
Năm 1959, sau cuộc Khởi nghĩa Tây Tạng (10/3/1959) tại Lhasa, Dalai Lama 14 cùng 8 vạn dân vượt dãy Hymalaya để tị nạn tại thị trấn Dharamsala, miền Bắc bang Himachal Pradesh, Ấn Độ.
Tại đây, ngày 28/4/1959, ngài thành lập Chính quyền Trung Ương Tây Tạng (Central Tibetan Administration) thường được gọi là Chính phủ lưu vong Tây Tạng, với mục tiêu “đưa người tị nạn Tây Tạng về quê và phục hồi tự do và hạnh phúc ở Tây Tạng”.
Ngày 10/12/1989, Dalai Lama 14 nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình sau khi được cả thế giới tán dương (trừ Trung Hoa).
Dalai Lama 14 còn là một diễn giả lôi cuốn. Ngài đã đi khắp thế giới (các tổ chức trên thế giới phải đối mặt với áp lực không chấp nhận ngài từ phía Trung Quốc), nói về các chủ đề như môi trường, kinh tế, quyền phụ nữ, bất bạo động, đối thoại tín ngưỡng, sức khỏe sinh sản và tình dục; với chủ trương bảo vệ Tây Tạng, giảng dạy Phật giáo Tây Tạng và nói về tầm quan trọng của tình thương như là cội nguồn của cuộc sống hạnh phúc.
Hiện ngài sống trong một tịnh thất nhỏ ở Dharamsala, Ấn Độ. Ở tuổi 77, ngài vẫn thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, ngồi thiền, rồi tiếp tục làm việc theo thời khóa biểu của văn phòng chính phủ, tiếp khách và diễn giảng giáo lý cho các khóa tu hoặc chứng minh các đại lễ.
Ngài thường nói rằng: Tôi chỉ là một tu sĩ Phật giáo bình thường, không hơn, không kém (I am just a simple Buddhist monk – no more, no less).
Theo Dotchuoinon.com